Internet và sự phát triển của kinh tế Việt Nam

  1. Internet Việt Nam – Những bước phát triển vượt bậc

Phát biểu đề dẫn Toạ đàm, ông Vũ Hoàng Liên, Chủ tịch Hiệp hội Internet Việt Nam, cho biết: “Liên tục trong những năm qua, Internet đã phát triển nhanh chóng tại Việt Nam với hơn 30 triệu người dùng Internet/90 triệu dân. Sự phát triển bùng nổ của lĩnh vực viễn thông và CNTT của Việt Nam trong vài năm trở lại đây cũng cho thấy lĩnh vực này là một hướng đi mới, đầy triển vọng tạo nên sự đột phá để đưa nền kinh tế của Việt Nam vươn ra thế giới”.

Kết quả khảo sát, nghiên cứu tại 30 nước (trong đó có Việt Nam), Báo cáo “Tác động của Internet đối với các quốc gia đang lên”, chỉ ra rằng: Tại Việt Nam, nhờ vào internet, các doanh nghiệp vừa và nhỏ (DNVVN) đã tăng 19% hiệu quả kinh doanh; Internet có đóng góp 0,9% trong GDP đối với nền kinh tế Việt Nam và đóng góp 1,6% trong tổng số 14,4% mức tăng trưởng GDP của Việt Nam.

Được xác định là một trong những động lực quan trọng để thúc đẩy phát triển kinh tế của Việt Nam trong thời gian tới, việc phát triển internet tại Việt Nam đang là mối quan tâm chung của cả cộng đồng. Theo Đề án “Đưa Việt Nam sớm trở thành nước mạnh về công nghệ thông tin và truyền thông” đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt từ tháng 9/2010, Việt Nam đặt mục tiêu đến năm 2015: cơ bản hoàn thành mạng băng rộng đến các xã, phường trên cả nước, kết nối internet đến tất cả các trường học; phủ sóng thông tin tin di động băng rộng đến 85% dân cư; Việt Nam nằm trong số 65 nước trong bảng xếp hạng của Liên minh Viễn thông quốc tế (ITU). Đến năm 2020: hoàn thiện mạng băng rộng đến hầu hết số thôn, bản; phủ sóng thông tin di động băng rộng đến 95% dân cư; Việt Nam thuộc nhóm 1/3 nước dẫn đầu trong số 55 nước trong bảng xếp hạng của ITU. Về phổ cập thông tin, Đề án cũng đặt mục tiêu đến năm 2015: 20 – 30% số hộ gia đình trên cả nước có máy tính và truy cập internet băng rộng; đến năm 2020: hầu hết các hộ gia đình trên cả nước sử dụng các dịch vụ số; 50 – 60% số hộ gia đình trên cả nước có máy tính và truy cập internet băng rộng, trong đó 25- 30% truy nhập băng rộng sử dụng cáp quang.

  1. Để khai thác hiệu quả sức mạnh Internet

Kết quả khảo sát của McKinsey&Company cũng chỉ ra rằng Internet đóng góp 0,9% vào GDP của Việt Nam, trong đó có một phần đáng kể đến từ mảng tiêu dùng cá nhân. Con số này thấp hơn nhiều so với mức 4,1% ở Malaysia hay 2,6% ở Trung Quốc. Mặc dù, đã có hơn một phần ba số người sử dụng Internet Việt Nam truy cập các website bán hàng hoặc đấu giá trực tuyến, 50% trong số đó tin rằng mua hàng trực tuyến giúp họ tiếp cận với danh mục sản phẩm đa dạng và phong phú hơn, nhưng Việt Nam vẫn có chỉ số thấp về cấp độ chi tiêu trên mạng. Như vậy, với qui mô thị trường 30 triệu người đã truy nhập Internet/ 90 triệu dân, thương mại điện tử (TMĐT) Việt Nam có tiềm năng rất lớn, nhưng đây vẫn còn là thị trường bỏ ngỏ, chưa được đánh giá, đầu tư và khai thác đúng mức.

Cấp độ chi tiêu Internet trong nước không cao do thị phần tương đối nhỏ của bán lẻ trực tuyến so với tổng thị phần bán lẻ nói chung và mức đóng góp khiêm tốn của thương mại điện tử vào GDP. Đa số các doanh nghiệp chưa sử dụng Internet để tối đa khả năng của mình cũng như chưa đầu tư mở rộng sự hiện diện trên mạng dù lượng người sử dụng Internet ngày một tăng. Ông Mai Sean Cang, Tổng giám đốc Intel Việt Nam, nêu ví dụ về một khách sạn nhỏ ở Nha Trang đã lập website và khai thác hệ thống quảng cáo của Google để thu hút khách hàng nước ngoài, hay một tiệm may áo dài trong TP HCM đăng các mẫu áo lên mạng và cho phép đặt hàng trực tuyến. Nhưng nhìn chung, mới chỉ rất ít doanh nghiệp thực hiện điều tương tự. Hầu hết chưa tận dụng Internet làm đòn bẩy tiếp cận khách hàng hay tiến hành giao dịch.

Theo ông Nguyễn Thanh Hưng, Phó chủ tịch Hiệp hội TMĐT Việt Nam, đánh giá tác động của Internet đối với khu vực phi thương mại đang lớn hơn khu vực thương mại còn hạ tầng Internet đang phát triển mạnh hơn nội dung. Theo ông Hưng, các cơ quan nhà nước không nên quá thắt chặt những biện pháp quản lý nội dung kinh doanh trên Internet.

Chia sẻ với những băn khoăn của đại diện các doanh nghiệp và các chuyên gia, ông Lê Nam Thắng, Thứ trưởng Bộ TT-TT cho biết, để tạo điều kiện cho Internet phát triển và phát huy vai trò của Internet với đời sống xã hội, Bộ TT-TT đang đang xây dựng dự thảo Nghị định quản lý Internet mới thay thế cho Nghị định 97 hiện hành với quan điểm chỉ đạo là:

Thứ nhất, coi Internet là một xã hội thu nhỏ, nơi cuộc đời thực sẽ chuyển dần lên mạng bởi ngày càng nhiều người thể hiện quan điểm sống, giải trí… trên đó. Internet có cả mặt xấu và tốt. Cơ quan quản lý sẽ cố gắng hạn chế cái xấu và khuyến khích mọi người tuân theo các giá trị đạo đức và pháp luật.

Thứ hai, Internet là cơ sở hạ tầng quan trọng của quốc gia. Khi mới xuất hiện tại Việt Nam, Internet được coi là công nghệ mới. 5 năm sau, đó là nơi kinh doanh đem lại lợi nhuận cho doanh nghiệp. Còn hiện nay, Internet nói riêng và CNTT nói chung là cơ sở hạ tầng thúc đẩy mọi mặt kinh tế xã hội.

Thứ ba, việc hạn chế những cái xấu trên mạng không có là nghĩa ngăn cản kiểu cấm đoán, mà là để hợp tác phát triển; do đó, chính sách mới sẽ xác định mục tiêu cuối cùng là làm cho Internet phát triển, đem lại lợi ích ngày càng lớn cho đất nước và người dân.

Dù còn nhiều bàn luận xung quang câu chuyện phát triển Internet tại Việt Nam, nhưng tại buổi Toạ đàm nhiều chuyên gia và các nhà quản lý đã có chung quan điểm: Sự phát triển bùng nổ của lĩnh vực viễn thông và CNTT của Việt Nam trong vài năm trở lại đây đang là một hướng đi mới, đầy triển vọng tạo nên sự đột phá trong phát triển nền kinh tế nước ta; trong những năm qua, Internet đã có bước phát triển nhanh chóng tại Việt Nam, Internet là một động lực quan trọng để thúc đẩy nền kinh tế phát triển.

 

Tác giả bài viết: Mai Lan – Hoàng Thanh

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *